Ủy ban Châu Âu muốn dán nhãn một số nhà máy điện hạt nhân và khí đốt tự nhiên là năng lượng xanh và gọi chúng là nguồn năng lượng “chuyển tiếp”. Nhưng đề xuất đó ngay lập tức bị nhiều chuyên gia từ các nhóm môi trường của các quốc gia phản đối và gọi đề xuất này là một sự “PR xanh”, nghĩa là coi đó như một nỗ lực tái tạo môi trường mặc dù hành động đó lại có ý nghĩa hoàn toàn ngược lại.
Reuters nêu chi tiết các quy định của EC đối với hạt nhân và khí đốt tự nhiên để được coi là năng lượng “bền vững chuyển tiếp”:
Các nhà máy điện khí sẽ được dán nhãn “xanh” trong thập kỷ này nếu thải ra ít hơn 270g CO2 tương đương mỗi kWh hoặc có lượng phát thải hàng năm dưới 550kg CO2e / kW trong vòng 20 năm. Điều đó có thể bao gồm các nhà máy khí đốt với lượng khí thải CO2 tương đối cao hiện nay, với điều kiện họ chuyển sang sử dụng khí carbon thấp hoặc giảm số giờ vận hành trong những năm tới. Các nhà máy khí phải chuyển sang chạy bằng khí CO2 thấp vào năm 2035. Các nhà máy hạt nhân mới phải nhận được cấp giấy phép xây dựng trước năm 2045 và được đặt tại quốc gia có kế hoạch và có nguồn quỹ xử lý an toàn chất thải phóng xạ vào năm 2050.
Phản ứng của các nước EU đối với đề xuất khí đốt và hạt nhân của Ủy ban châu Âu này không có gì đáng ngạc nhiên. Pháp, quốc gia cung cấp khoảng 70% điện năng từ hạt nhân, đang dẫn đầu Nhóm điện Hạt nhân bao gồm Bulgaria, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Hungary, Ba Lan và Slovakia.
Mặt khác, Đức sẽ đóng cửa ba nhà máy hạt nhân còn lại của mình vào cuối năm nay và sẽ dựa vào khí đốt tự nhiên, một loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, và quốc gia này gọi nó là “công nghệ cầu nối”. Đức cho biết họ sẽ thay thế khí đốt tự nhiên bằng các chất thay thế không gây ô nhiễm như hydro vào năm 2045. Ba Lan và Bulgaria cũng nằm trong Nhóm Khí đốt tự nhiên.
Bỉ có kế hoạch phi hạt nhân hóa vào năm 2045 và Thụy Sĩ cũng có ý định loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân. Đan Mạch và Luxembourg chống hạt nhân, và Áo hôm qua lặp lại rằng sẽ có hành động pháp lý đối với đề xuất trên.
Reuters tiếp tục:
Các quốc gia EU và Nghị viện châu Âu có 4 tháng để phản kháng đề xuất này. Nếu được thông qua, các quy tắc về khí đốt và hạt nhân sẽ được áp dụng từ tháng 1 năm 2023.
Đan Mạch, Ireland và các quốc gia khác cho rằng việc ghi nhãn khí tự nhiên, một loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, là “xanh” sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của EU trong việc chống biến đổi khí hậu.
Nếu Liên minh châu Âu yêu cầu các quốc gia thành viên mở rộng đáng kể sản xuất năng lượng sạch của họ, vì gió và mặt trời ngày càng có hiệu quả ở châu Âu, thì các nhà đầu tư sẽ không quan tâm đến khí đốt tự nhiên hoặc hạt nhân.
Dịch từ Electrek